CÙNG TÌM HIỂU VỀ KẼM - THÀNH PHẦN THIẾT YẾU CỦA CƠ THỂ, TỐT CHO DA
Thứ Tư,
13/01/2021
Kẽm được biết nhiều với vai trò bảo vệ hệ miễn dịch của cơ thể bằng cách chống lại các tế bào xấu. Bên cạnh đó, khoáng chất này còn là một trong những thành phần điều trị mụn trứng cá được nghiên cứu rộng rãi nhất
1. Uống kẽm có giúp da đẹp hơn không
Nhiều bệnh nhân bị mụn chia sẻ rằng họ đã trị mụn thành công nhờ uống bổ sung viên kẽm. Nhưng điều đó không có nghĩa là bất cứ ai cũng nên uống kẽm để làm đẹp da
2. Kẽm có tác dụng thế nào với làn da?
Kẽm là một khoáng chất thiết yếu cho cơ thể, giúp tăng cường hệ miễn dịch, đặc biệt giúp vết thương mau lành hơn. Đối với trẻ em, kẽm còn giúp tăng trưởng chiều cao, cân nặng. Tuy nhiên, cơ thể chúng ta lại không có cơ chế tích trữ kẽm, mà bạn bắt buộc phải nạp kẽm vào cơ thể qua đường ăn uống hàng ngày để duy trì tình trạng sức khỏe tốt nhất.
Nếu được nạp vào cơ thể qua đường ăn uống, kẽm sẽ kết hợp với các loại vitamin và khoáng chất khác để làm giảm mụn và ngăn ngừa các dấu hiệu lão hóa sớm trên da. Kẽm có khả năng chống viêm, làm vết thương nhanh lành, hỗ trợ quá trình tái tạo collagen, sửa chữa ADN, nên khi uống kẽm, bạn sẽ thấy các vết mụn ít để lại sẹo thâm hơn.
Kẽm đã được sử dụng cho cả bệnh bạch biến và nám. Bệnh bạch biến là một rối loạn sắc tố, chiếm 0,1% đến 2% dân số.Bệnh nhân bạch biến có nồng độ kẽm trong huyết thanh thấp hơn đáng kể so với nhóm chứng bình thường, kẽm đã được mặc nhiên công nhận đóng một vai trò trong việc quản lý bệnh bạch biến. Kẽm hạn chế sự chết của tế bào và là chất chống oxy hóa quan trọng. Cùng với các vi chất khác như đồng và mangan, kẽm cũng mặc nhiên công nhận đóng một vai trò quan trọng trong tổng hợp sắc tố melanin.
3. Ai cần bổ sung kẽm?
Những người có chế độ ăn uống quá thất thường, thiếu chất sẽ dễ rơi vào tình trạng thiếu kẽm. Cơ thể thiếu kẽm có những biểu hiện phổ biến là bị chàm (da khô, bong tróc) hoặc mụn nổi nhiều, khó kiểm soát. Và chỉ khi đó, bạn mới nên nghĩ đến việc uống bổ sung viên kẽm để dưỡng da và cải thiện sức khỏe lâu dài.
Tuyệt đối không nên tự ý uống kẽm theo “phong trào”. Thừa kẽm có thể khiến bạn bị buồn nôn, đau bụng, nhức đầu. Mỗi người không nên hấp thụ quá 40mg kẽm mỗi ngày.