KIẾN THỨC VỀ CHỐNG NẮNG
Thứ Ba,
09/06/2020
1. Tại sao chúng ta phải sử dụng kem chống nắng?
Kem chống nắng bảo vệ da bạn bằng cách hấp thu và phản xạ tia tử ngoại hay còn gọi là tia cực tím (Ultra Violet) gọi tắt là UV có trong ánh mặt trời.
Tia UV có 3 loại :
- Tia UVA: Chiếm 95% tia cực tím, là tia có thể xuyên sâu dưới lớp trung bì và hạ bì của da, tạo nên các vấn đề lão hóa như nếp nhăn, tàn nhang, nám, ung thư… kể cả trời râm mát và mưa thì tia UVA vẫn tổn hại đến da.
- Tia UVB: Loại tia này chỉ tác dụng lên lớp biểu bì của da, làm da dễ bị bỏng nắng, sạm đen và có thể gây ung thư da.
- Tia UVC: Có khả năng gây ung thư da cao nhất nhưng bị tầng ozon hấp thu và phản xạ nên không đến được mặt đất, chỉ xuất hiện ở những vùng tầng ozon bị tổn hại.
Kem chống nắng có 2 loại là Sunscreen (kem chống nắng hóa học) và Sunblock (kem chống nắng vật lý)
Sunblock là kem chống nắng có khả năng ngăn chặn hầu như tất cả các tia UVA và UVB. Khi da bị tổn thương, yếu, nám, mụn… nên dùng sunblock, vì sunscreen thường có oxybenzone, PAPB dễ gây kích ứng da và bít lỗ chân lông. Sunblock ngăn chặn UVA hiệu quả hơn sunscreen.
Sunblock trong thành phần phải có titanium dioxide hay zinc oxide.
Sunscreen cho phép một số bức xạ thông qua và dễ bị phá vỡ khi tiếp xúc ánh mặt trời.
Cả hai loại kem chống nắng, ngoài chất lượng thành phần và công nghệ sản xuất, còn được đánh giá bằng chỉ số SPF và PA.
SPF (Sun Protection Factor) biểu thị thời gian chống nắng hiệu quả trên da, không phải là mức độ chống nắng. Tuy nhiên nếu chúng ta sử dụng SPF cao có thể bảo vệ da lâu hơn nhưng lại dễ gây tắc lỗ chân lông, làm suy yếu làn da và gây mụn.
PA (Protect Grade of UVA) thể hiện khả năng chống tia UVA bằng dấu (+). Kem chống nắng càng nhiều dấu (+) chứng tỏ khả năng chống tia UVA càng tốt (Tia UVA chiếm 95% trong tia nắng).
2. Cách chọn kem chống nắng phù hợp với làn da của bạn
Kem chống nắng cho làn da nhạy cảm:
Nếu sở hữu một làn da nhạy cảm thì thành phần bạn cần tránh xa đó là oxybenzone và PABA, tức nói không với kem chống nắng hóa học. Các kem chống nắng vật lý thường rất ít khi chứa các thành phần gây kích ứng da, là sự chọn lựa thích hợp cho làn da này.
Kem chống nắng cho làn da khô:
Đối với da khô, nên chọn kem chống nắng có thành phần dưỡng ẩm cho da hay thoa thêm kem dưỡng ẩm trước khi dùng kem chống nắng.
Kem chống nắng cho da dầu (da nhờn):
Da dầu thường có lớp nhờn trên bề mặt da, nên sử dụng kem chống nắng “Oil Free” - không dầu, hay kem chống nắng có thành phần ức chế dầu.
Kem chống nắng cho da mụn:
Da mụn luôn cần tránh tối đa sự viêm nhiễm và bít lỗ chân lông, không chọn kem có thành phần dễ kích ứng như cồn, oxybenzone, PAPB (kem chống nắng hóa học), kem có mùi hương. Với da mụn, tốt nhất nên dùng kem chống nắng vật lý (chứa zinc oxide và titanium oxide), không mùi và SPF thấp (15-45).
Kem chống nắng khi đi bơi:
Khi tiếp xúc với nước, kem chống nắng dễ bị trôi, bạn nên dùng loại có SPF cao (70 – 95), thường có ghi “Water resistant” hoặc “Water proof” trên bao bì. Những loại này có thể chống nắng từ 40 phút đến 1 giờ, sau đó cần thoa lại để đạt hiệu quả cao nhất. Không nên dùng loại này để chống nắng hằng ngày vì khả năng bít lỗ chân lông cao.
Kem chống nắng khi trang điểm:
Khi trang điểm nên chọn kem chống nắng vật lý bôi lên trước khi trang điểm, sau 2-3 giờ nên phủ thêm phấn có SPF 15-20 là đủ (nếu da nhờn, đổ dầu, nên thấm dầu trước khi phủ phấn).
Kem chống nắng khi ở văn phòng, ở nhà:
Ở trong phòng làm việc, ở nhà có cần bôi kem chống nắng không? Đây là thắc mắc của rất nhiều chị em vì không ít người nghĩ rằng chỉ cần sử dụng kem chống nắng khi có nắng. Bạn nên chú ý rằng, khi ở trong nhà hay trời râm mát, tia UV vẫn hoạt động mạnh mẽ. Tia UV có khả năng xuyên qua kính, mây mù, bóng cây… Ánh sáng trong nhà như ánh đèn máy tính, điện thoại, đèn huỳnh quang… cũng phát ra tia bức xạ từ các tia UV gây tổn thương da.
Tia cực tím hoạt động mạnh mẽ mọi lúc mọi nơi, do vậy thoa kem chống nắng cho da đều đặn mỗi ngày là điều không thể quên.
Để sử dụng kem chống nắng hiệu quả, bạn cần lưu ý:
- Chọn kem chống nắng phù hợp cho từng loại da và môi trường làm việc.
- Sử dụng kem chống nắng có chỉ số SPF từ 15-45, thoa từ 3-4 lần/ngày, tối thiểu phải 2 lần sáng và chiều.
- Chọn loại kem hấp thu tốt để không cần rửa mặt lại trước khi thoa tiếp lần sau, vì rửa mặt nhiều lần trong ngày không tốt.
- Với làn da nhạy cảm, dễ kích ứng, da yếu, da khô, mạch máu dưới da nhiều nên chọn kem chống nắng vật lý.
Muốn sở hữu một làn da khỏe mạnh, tươi trẻ và săn chắc, chúng ta nên áp dụng một chế độ chăm sóc khoa học và không thể quên thoa kem chống nắng hàng ngày.
3. Liều lượng cho kem chống nắng (sự tìm thiểu của bản thân)
PHẢI dùng kem chống nắng đủ - 1 đồng xu, 1 thìa cafe, 2 ngón tay, 3 ngón tay, 0,3-0,4-0,5g/mặt và cổ.
Việc thoa nhiều hay ít kem chống nắng sẽ phụ thuộc vào:
- Khả năng của bạn thoa được bao nhiêu: không bí, không dính, không nhờn quá thì cứ nhiều nhất có thể mà bôi.
- Bạn tiếp xúc với ánh sáng mặt trời nhiều hay ít: nếu nhiều, liên tục, nắng gắt thì càng nhiều càng tốt.
- Khả năng chống nắng tự nhiên của da bạn tốt hay kém? Ví dụ da bạn ra nắng 10 phút mới bị rát, đỏ. Mình thì 2 phút đã không chịu được rồi. Vậy thì mình phải thoa kem chống nắng gấp 5 lần bạn và phải thoa lại liên tục.
Bài viết dựa trên sự tư vấn và chia sẻ của Th.S - BS Lê Tôn Dũng (Giảng viên bộ môn Tạo hình thẩm mỹ Trường Đại học y khoa Phạm Ngọc Thạch) về cách sử dụng kem chống nắng hiệu quả, giúp bạn giữ làn da khỏe mạnh.